Nói về Lý ngư vọng nguyệt. Một bức tranh đậm chất biện chứng. Từ bố cục tranh, màu sắc đến nội dung của bức tranh đây thực sự là một bộ tranh tuyệt vời.
Văn hóa trong sự tồn tại của nó luôn diễn ra sự tiếp biến, nhất là khi một loại hình nghệ thuật đạt đến đỉnh cao và để lại dấu ấn sâu sắc trong tư duy con người và trở thành đặc trưng tiêu biểu của vùng miền hoặc địa phương nào đó.
Khi ấy nó sẽ có sức hút mạnh mẽ và có sự ảnh hưởng lan tỏa đến các loại hình khác, đặc biệt là trong cùng một loại hình. Đối với tranh dân gian cũng vậy, mỗi dòng đều có những bức tranh điển hình của mình. Trong tranh Đông Hồ người ta nghĩ đến ngay đến bức Đám cưới chuột, Đánh ghen, Hứng dừa... còn đối với tranh Hàng Trống bức Lý ngư vọng nguyệt từ lâu đã trở thành một kiệt tác tiêu biểu do các nghệ nhân sáng tạo ra. Vượt ra khỏi khuôn khổ của không gian văn hóa quen thuộc, bức tranh Lý ngư vọng nguyệt đã xuất hiện trên tranh Đông Hồ.
Hiện nay Lý ngư vọng nguyệt - một bức tranh tiêu biểu của tranh Hàng Trống vẫn được sáng tác và treo trong các phòng tranh của Đông Hồ. Ngay từ năm 1967 các nghệ nhân Đông Hồ đã họa lại bức Lý ngư vọng nguyệt ban đầu là bằng cách vẽ tay, sau đó đã được khắc ván gỗ. Đến nay Lý ngư vọng nguyệt đã trở nên rất quen thuộc với người dân Kinh Bắc.
Trên thực tế bức tranh Lý ngư vọng nguyệt đang tồn tại trong môi trường mới, có những nét độc đáo riêng do được in trên những chất liệu vốn có của tranh Đông Hồ, đó là việc sử dụng giấy điệp và các màu sắc được chiết xuất từ tự nhiên: Màu đỏ làm từ sỏi son, màu trắng làm từ vỏ điệp, màu vàng chiết xuất từ hoa hòe, màu xanh từ lá chàm, màu đen làm từ lá tre đốt thành than. Về kích cỡ, bức tranh Lý ngư vọng nguyệt được làm nhiều dạng khác nhau phù hợp với tâm lý của người thưởng thức. Đó thường là những bức vừa và nhỏ, còn các bức lớn bằng tranh Hàng Trống hiện nay không được in nữa, những bản khắc gỗ này chỉ tồn tại trong dạng tĩnh của nó.
Còn về bố cục, tranh Lý ngư vọng nguyệt cũng thay đổi. Nếu như trên tranh Hàng Trống hình ảnh của tranh chiếm gần hết diện tích mặt phẳng của giấy vẽ, thì bức Lý ngư vọng nguyệt trong tranh Đông Hồ chỉ chiếm khoảng một nửa tờ giấy, còn nửa kia được đề một bài thơ.
Các nghệ nhân tranh Đông Hồ đưa vào đó một bài thơ bằng chữ Nôm rất đặc sắc:
Sáng trăng vằng vặc cả bầu trời
Lộng lẫy sông hồ với biển khơi
Lung linh bóng nguyệt tô cảnh thủy
Vọng vời đua lượn lý ngư bơi.
Tranh dân gian Đông Hồ vẫn thường lấy thơ ca làm hình ảnh và diễn giải ý nghĩa của mình. Đó là việc sử dụng những câu thơ, đoạn thơ, có khi là một bài thơ trên những bức tranh. Những vần thơ ấy được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm với nhiều kiểu viết khác nhau, có cách viết chân, triện và viết thảo.
Những câu thơ xuất hiện trên tranh Lý ngư vọng nguyệt trong một bố cục hết sức hợp lý, các nghệ nhân đã tận dụng những khoảng trống của bức tranh để viết lên đó những câu thơ bằng bút pháp khá uyển chuyển. Nếu bỏ đi những câu chữ trên tranh sẽ xuất hiện những khoảng trống và tranh sẽ mất đi tính chặt chẽ.Bên cạnh đó thơ trên tranh Lý ngư vọng nguyệt tạo cho bức tranh thêm sinh động và sang trọng; các nghệ nhân thông qua những câu thơ ấy nhằm hướng đối tượng tiếp nhận đến nội dung nhất định theo chủ ý của mình.
Còn đối với những người tiếp nhận họ vừa hiểu được ý nghĩa của tranh, vừa có sự tưởng tượng và thưởng thức theo cách riêng.Có thể nói sự tiếp biến bức tranh Lý ngư vọng nguyệt từ Hàng Trống đến Đông Hồ cho thấy tranh dân gian Đông Hồ luôn có sự vận động, tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật của các dòng tranh khác nhằm tạo nên một dòng tranh đa phong cách và giàu hình ảnh. Mặt khác đây còn là một hiện tượng giao lưu văn hóa vùng miền, các nghệ nhân Đông Hồ đã chắt lọc, gạn đục khơi trong, cải biến bức tranh Lý ngư vọng nguyệt thành loại tranh của mình.
Sự tiếp nhận bức tranh này đến Đông Hồ đã được bản địa hóa sâu sắc và có một sức sống mới mang đậm dấu ấn riêng của tranh Đông Hồ.